5 nguyên tắc trong lễ nhập trạch nhà mới theo phong thủy

Lễ nhập trạch là việc vô cùng quan trọng sau khi bạn sở hữu được ngôi nhà mới. Vì vậy, ngay từ bước đầu các gia chủ thường chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo thể hiện lòng biết ơn bề trên, thổ địa để nhà mới luôn được vượng khí, tài lộc như ý, các thành viên trong gia đình luôn được khỏe mạnh, an khang, thịnh vượng.

Hôm nay, 9PLUS sẽ chia sẻ tới các bạn 5 nguyên tắc phong thủy của lễ nhập trạch để cho bạn có sự chuẩn bị kỹ càng, giúp buổi lễ nhập trạch về nhà mới diễn ra một cách suôn sẻ, đem tới cho gia đình một cuộc sống viên mãn.

1. Gia chủ cần giữ tâm thái tích cực khi về nhà mới

Giữ tâm thái tích cực khi về nhà mới

Chuyển đến nhà mới đồng nghĩa với việc bạn và gia đình sẽ có những khởi đầu mới, do đó bạn cần giữ cho mình tâm thái tích cực, vui vẻ, hoan hỷ, gia đình cần phải nói và làm những việc may mắn vì điều này sẽ có sự ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của gia đình “đầu xuôi đuôi lọt”. Vào ngày chuyển nhà, gia chủ tuyệt đối không được giận dữ, mắng mỏ người khác, cấm kỵ các cuộc cãi vã to tiếng, khóc lóc, than thở sẽ tạo nên điềm xấu đặc biệt là càng không được đánh mắng trẻ con.

2. Gia chủ giữ thân thanh tịnh

Thứ nhất trước khi về nhà mới cần vệ sinh, tắm rửa thân thể sạch sẽ, tốt nhất nên làm việc này từ ngày hôm trước. Thứ 2, ngày trước khi về nhà mới tuyệt đối không được sinh hoạt vợ chồng, hoan ái nam nữ. Thứ 3, việc ăn uống cũng cần để ý không ăn các thực phẩm thuộc tứ linh (baba, cá chép, thịt rắn, thịt mèo,rượu cao hổ cốt, rượu rắn, tỏi…) và giữ cho hơi thở luôn thơm tho nhất có thể.

3. Tâm linh thờ cúng bát hương khi nhập trạch

Thường chúng ta hay nghĩ ngày nhập trạch mới được chuyển đồ đạc vào nhà, tuy nhiên theo đúng quan niệm phong thủy thì việc chuyển đồ đạc giường tủ, điều hòa… trong nhà các bạn có thể làm từ những ngày trước đó. Bên cạnh đó, tất cả các thủ tục thờ cúng cần có sự chuẩn bị kỹ cẩn thận, sẵn sàng từ trước cho ngày nhập trạch.

a, Tâm linh thờ cúng bát hương

Đối với tâm linh thờ cúng bát hương khi nhập trạch, ở đây sẽ xảy ra hai trường hợp gia chủ cần lưu ý với ngôi nhà bạn chuẩn bị chuyển đến:

Một là, bạn chuyển vào ngôi nhà mới nhưng lại được xây trên nền đất vốn bạn đã ở từ trước. Trường hợp này, nếu bạn không có vị trí thờ tạm trước khi về nhà mới thì cần chú ý ngay từ khi bắt đầu tiến hành xây dựng, đối với bát hương thờ cúng tuyệt đối không bỏ đi mà cần cất giữ gọn gàng, bát hương phải được bọc trong tấm vải lụa vàng (hoặc đỏ) đã được giặt qua nước ngũ vị hương phơi khô và cất cẩn thận đến hôm nhập trạch thì rước vào nhà.

Hai là, bạn nhập trạch vào ngôi nhà mới trên nền đất mới mua hoàn toàn thì cần lưu ý: Tuyệt đối không được rước bát hương thờ thần linh nơi khác vào ngôi nhà mới này vì “đất có thổ công, sông có hà bá”, nơi mới đã có một vị thần chủ quản riêng, nếu đem bát hương nơi khác đến gây nên hiện tượng loạn thần. Với bát hương cũ này bạn cần bọc lại trong vải lụa và hóa ngay tại mảnh đất cũ và thực hiện báo cáo, làm lễ hạ giải còn bao nhiêu tro mới đem thả trôi sông. Vậy nên, khi đến nhà mới cần tôn nhang một bát hương thần linh mới hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với những bát hương cộng đồng gia tiên, cộng đồng bà cô ông mãnh, chân linh thì bạn hoàn toàn có thể rước vào ngôi nhà mới này.

b, Quy trình rước bát hương

Quy trình rước bát hương vào nhà cần chú ý theo trình tự: Đầu tiên là bát hương thờ phật (nếu có), tiếp đó đến bát hương cộng đồng gia thần, sau đó mới rước bát hương cộng đồng gia tiên, cuối cùng mới đến bát hương thờ bà cô ông mãnh, đến chân linh tiếp theo (tùy theo mối gia đình).

c, Lưu ý với bát hương nhập trạch

Không sử dụng bát hương men rạn

Bát hương nhập trạch tuyệt đối tránh tình trạng bát hương vô thần, bát hương cần phải có cốt (bao gồm có: Bạc, bài vị viết bằng chữ tượng hình, tro sạch hay cát sạch có nguồn gốc rõ ràng). Chọn bát hương, tuyệt đối không sử dụng bát hương men rạn. Với bát hương mới mua về cần thực hiện bao sái trước ngày nhập trạch, người thực hiện công việc bao sái này cần phải là người sạch sẽ (phụ nữ mang bầu, trong kỳ kinh nguyệt, người nặng vía bất thiện, người vừa hoan ái tuyệt đối không được bao sái bát hương). Sau khi bao sái sạch sẽ cần sấy khô và up bát hương xuống mâm hoặc trên vải lụa không nên để ngửa bát hương chờ. Khi đặt bát hương lên ban thờ phải để mặt lưỡng nghi thẳng ra ngoài không được xiên sẹo, đồ bài trí trên ban thờ, mâm bồng cũng không được để sát che khuất bát hương.

4. Gia chủ đầy đủ, sung túc khi vào nhà mới

Tuyệt đối “không tay không tay trắng” khi nhập trạch, có nghĩa là gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ tiền, vàng trên người càng nhiều các tốt khi bước vào nhà mới để thể hiện cuộc sống bắt đầu từ đây sẽ ngày càng đầy đủ, sung túc, của cải nườm nượp đổ vào nhà.

5. Trình tự các thủ tục nhập trạch

Ngày nhập trạch, đầu tiên cần đem lương thực vào nhà (gạo, miến, ngũ cốc, muối, đường…và một ít đồ gia vị) để tượng trưng cho cuộc sống gia đình luôn được no ấm. Sau đó sẽ đến đem lửa vào nhà, và để đảm bảo an toàn cháy nổ bạn có thể là đốt giấy lửa đem vào nhà, hay đốt bếp cồn khô hoặc 5 ngọn nến để cho căn nhà luôn được ấm cúng. Sau khi đem lửa thì mới đem nước vào nhà, nước thể hiện cho tài lộc và các mối quan hệ luôn mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng bạn nên lưu ý nước là hàn lạnh nên không đem vào đầu tiên. Tiếp đến, bạn cần lo cho tổ ấm của mình chính là chiếc giường ngủ (có thể không có giường cũng được), bạn đem theo 1 chiếu, 1 chăn và 1 đôi gối thể hiện có đôi có cặp cùng chia sẻ ngọt bùi, vợ chồng đầm ấm, hạnh phúc. Sau đó, gần như cuối cùng bạn mới đem chổi vào nhà, bởi chổi mang ý nghĩa chấn tà nhưng nếu đem vào trước thì lại có ý nghĩa như quét hết tài lộc đi.

3 ngọn nến tượng trưng cho đông trùng tư mệnh táo phủ thần quân

Sau khi thầy đã làm xong các thủ tục cúng lễ bạn nên bật bếp và đun một ít nước để lấy vía đồng thời bật tất cả các đèn còn lại trong toàn bộ ngôi nhà để không gian được bừng sáng, tạo sự ấm cúng. Cẩn thận hơn, bạn thắp lên 3 ngọn nến ở trong khu bếp, 3 ngọn nến này tượng trưng cho đông trùng tư mệnh táo phủ thần quân (1 bà 2 ông) để đem đến sự đầm ấm cho ngôi nhà.

Bắt đầu từ ngày làm lễ nhập trạch, trong 3 đêm liền vợ chồng cần cùng ngủ trong ngôi nhà mới nhưng không được sinh hoạt vợ chồng, nếu nhà bạn nhờ người đứng ra nhập trạch thì cần nhờ người đó ngủ lại nhà 3 đêm để nhà cửa được ấm êm.

Trong ngày nhập trạch có 3 lễ chính: Lễ nhập trạch, lễ cúng bồi hoàn địa mạch, lễ cúng chấn trạch do đó gia chủ cần lưu ý để thực hiện đầy đủ và đúng quy trình.

Trên đây là những nguyên tắc phong thủy trong lễ nhập trạch, bạn đọc cùng tham khảo để có thể chuẩn bị kỹ càng hơn trong ngày nhập trạch về nhà mới đem đến cho gia đình mình một cuộc sống viên mãn hơn.

0925366979